Vùng đất nghèo và việc nắm bắt thông tin.

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Tiềm vẫn nhớ như như mội chuyện vừa trải qua hôm trước,thầy nhớ: “Do thầy là người khỏe mạnh, cũng yêu trẻ em vùng cao nên lên đây dạy chữ, chứ có nhiều thầy, cô do sức khỏe yếu, lại được phân công lên vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” nên không ít thầy, cô đã tủi thân ngồi khóc giữa đường lên trường”.


Nói đến việc tiếp thu những kiến thức và nắm bắt thôn tin bên ngoài, thầy Tiềm, cho hay: “Ở đây được ví như vùng đất “5 không”. Không điện, đường, trường học, trạm, sóng điện thoại nên mọi thông tin bên ngoài là số không. Nhiều lúc muốn dạy thêm bài trên máy tính cho các em dễ hiểu, dễ tiếp thu nhưng cũng đành bỏ qua  vì ở đây không có điện. 

“Ở làng này đặc biệt không có sóng điện thoại, nếu muốn gọi về cho người thân thì phải đợi đến cuối tuần lặn lội xuống xã mới có sóng. Còn nếu muốn có sóng thì chí ít cũng phải băng qua mấy quả đồi cao dựng đứng thì mới có sóng được”, thầy Tiềm cho biết thêm. Thầy Tiềm nói vui với chúng tôi rằng: “Do không có sóng nên đến bây giờ thầy vẫn chưa có người yêu”.

Thầy A Hao, Hiệu trưởng trường tiểu học Mường Hoong, kể: “Điểm trường Đắk Bối là một điểm trường xa và khó khăn nhất, muốn lên được điểm trường Đắk Bối không còn cách nào khác là phải đi bộ, vượt qua nhiều thung lũng sâu hoắm, núi cao dựng đứng thì mới lên được. Nhiều lúc có việc gấp, muốn gọi điện lên cho các thầy trên đó nhưng cũng đành chịu vì không có sóng, mỗi lúc như vậy thầy cô phải băng rừng để lên. Biết là khó khăn, vất vả nhưng vì con em đồng bào, vì con chữ nên các thầy, cô phải tự khắc phục để vượt qua”.

Nói về con đường, già A-Lê-Na, cho biết: “Người già khổ đã đành, nhưng các cháu học sinh lại khổ hơn rất nhiều. Học hết lớp 3, nhiều em học sinh phải đi bộ mấy tiếng đồng hồ mới xuống được trường xã Mường Hoong để học. Có nhiều cháu, khi con gà vào chuồng, con thú rừng đi ngủ thì lúc đấy mới thấy về nhà. Nhiều lúc bố mẹ chúng ở nhà thấp thỏm lo sợ nên không muốn cho chúng đi học. Giờ dân làng Đắk Bối chỉ xin con đường để đi lại, trao đổi thông tin với bên ngoài để học hỏi người Kinh dưới xuôi cách làm ăn, trồng trọt, có như thế thì đời sống người dân mới ổn định, không lo đói”.
Cám cảnh thay, con trai đầu của già làng A-Lê-Lối, cũng làm cán bộ đoàn, để tiện việc họp hành dưới xã nên gia đình cũng đã gom góp mua được chiếc điện thoại, nhưng rồi chiếc điện thoại cũng mua chỉ để nghe nhạc, bởi không có sóng để liên lạc xuống xã.

Dù muôn vàn khó khăn nhưng với niềm yêu nghề, yêu trẻ và muốn đưa con chữ lên với đồng bào vùng cao luôn thôi thúc trong mỗi trái tim người thầy, người cô. Ở nơi rừng núi bao la, biệt lập luôn có những bông hoa rừng, ngày đêm “thắp sáng” cho ước mơ tương lai của các cháu vùng bản cao. Rồi những ngày tháng sau này, khi ước mơ của các em được chắp cánh bay xa, những người thầy, người cô vẫn luôn được ca mãi trong giai thoại của người đồng bào Xê-Đăng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét